Ra đi để trở về

Cá kho ngày Tết

Gần đây có ý kiến là nên bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết dương lịch, mình thấy rõ ngớ ngẩn. Càng đi xa lại càng nhớ những gì của quê hương, của dân tộc. Đến bạn mình ở Mỹ cũng bày biện đón Tết. Tại sao người Việt Nam, ở trên đất Việt Nam, lại tự phá đi phong tục cổ truyền ấy?

Minuet của Boccherini

Cuối tháng 11, có gì để nhớ về Hà nội?

Thực ra cũng nhớ vài thứ nho nhỏ:

– Nhớ những cây nến cháy mùi quế trong phòng thay đồ của bể bơi Bốn Mùa Định Công, ngày Hà nội rét dưới 10 độ C.

– Nhớ bát phở bò Hà nội nghi ngút khói, mà phải là phở trong một quán nhếch nhác, mặt bàn lấm lem mỡ, sàn nhà vung vãi những mẩu giấy ăn mới “đúng vị”

– Nhớ một buổi tối thứ Sáu uống rượu Whisky lúc 12 giờ đêm cùng thày và các anh em trong phòng thông tim, sau khi kết thúc ca can thiệp cuối cùng

– Nhớ cơn mưa đêm ở Nhà hát lớn. Phố vắng, đèn vàng, đêm lạnh

– Nhớ hoàng hôn gay gắt đỏ rực trên cầu Thanh Trì, những buổi chiều tập xe đạp

– Hiện tại thì đang nhớ nhất cảm giác ngồi ở Luala uống Long Black, nghe dàn nhạc dây chơi bản Minuet của Boccherini

Singapore, tháng 11.2012

Tiếng Việt đang nghèo đi?

Hôm trước tôi tìm được cuốn “Quốc văn giáo khoa thư”, là sách học vần của trẻ em Việt Nam thời Pháp thuộc. Có nhiều bài thật dễ thương, ví dụ như bài này:

–       Ai bảo chăn trâu là khổ?

Không! Chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bươm bướm lượn trên đám cỏ. Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng.

So với sự giản dị và trong trẻo của “Quốc văn giáo khoa thư”, tiếng Việt trên các trang báo mạng và blog cá nhân – thứ mà tôi đọc nhiều nhất hiện giờ – cứ xơ xác như chiếc bánh mì khô. Dường như đó là tiếng Việt của “google translate” chứ không phải tiếng Việt của người Việt nữa. Tôi cảm thấy tiếng Việt đang nghèo dần đi. Nhiều từ không còn xuất hiện, hoặc xuất hiện một cách không phù hợp. Trong một thế giới phẳng, chúng ta tiếp cận với các khái niệm mới mỗi ngày. Nếu ngôn ngữ mẹ đẻ không phát triển kịp thì người Việt sẽ mãi mãi phải dùng ngôn ngữ của người khác. Khi ghi lại những dòng này, tôi rất muốn tìm một từ thuần Việt thay thế cho từ “blog”, nhưng không sao tìm được.

Tháng 7.2012

Một thầy thuốc khám bệnh không lấy tiền

Trưa nay, VTV 1 đăng phóng sự về một thầy thuốc già tên là Thuận ở Hà Nam, chuyên khám chữa bệnh không lấy tiền. Ông được người dân quý mến, đến khám rất đông. Nội dung chương trình cũng như nhiều phóng sự khác, nghĩa là có cảnh ông khám bệnh, rồi bệnh nhân phát biểu ca ngợi, quay cả cảnh ông đi xe máy đến nhà dân khám miễn phí.

Cá nhân tôi không biết trình độ của bác sỹ Thuận thế nào. Nhưng chắc chắn phòng khám của ông đem lại các giá trị tích cực cho cộng đồng, ít nhất còn hơn để bệnh nhân tự điều trị tại nhà hoặc đi khám lang băm, thầy cúng. Mô hình bác sỹ gia đình như ở phòng khám của ông Thuận là thứ mà hệ thống y tế Việt Nam còn thiếu.

Tuy nhiên có hai điểm tôi không thích.

Thứ nhất, phóng sự không đề cập đến việc thu tiền xét nghiệm hay bán thuốc. Tôi nhìn thấy một vài thiết bị đắt tiền, như máy khám thị lực. Vậy chúng từ đâu ra? Phòng khám tư tự làm xét nghiệm là bình thường (và hợp pháp). Điều quan trọng, đây là nguồn thu chính của phòng khám. Bác sỹ Thuận có thể không thu tiền khám bệnh nhưng bù lại bằng tiền xét nghiệm. Nguồn thu lớn thứ hai là thầy thuốc kê đơn và tự bán thuốc. Phóng sự có đề cập, trong một số trường hợp, ông Thuận không lấy tiền thuốc của bệnh nhân quá nghèo. Nghĩa là những trường hợp khác thì có lấy tiền thuốc? Nếu đúng thế thì ông Thuận đã vi phạm pháp luật, dù rằng đây là hiện tượng phổ biến của rất nhiều phòng khám tư.

Thứ hai, phóng sự có lẽ nhằm mục đích tuyên truyền cổ động cho ngành y tế Việt Nam (theo kiểu “người tốt việc tốt”). Tuy nhiên, giả sử bác sỹ này làm từ thiện thật thì mô hình “người tốt” đó cũng không thể nhân rộng, vì nó đi ngược lại các quy luật thị trường thông thường. Tại sao thay vì khen ngợi một phòng khám từ thiện, không ca ngợi một phòng khám có chất lượng y tế và dịch vụ tốt, dù với chi phí cao hơn các nơi khác? Trong khi người bệnh Việt Nam ngày càng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để đổi lấy những sản phẩm y tế tốt hơn, thì phóng sự của VTV 1 chẳng khác gì đi ca ngợi một của hàng bán đồ “sale” trong khi chưa biết chất lượng sản phẩm ra sao. Một thầy thuốc lao động trí óc 10-14 tiếng một ngày cần phải nhận được mức đãi ngộ tương xứng, thay vì miễn phí.

Người dân khi xem phóng sự này tất yếu sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao ở Hà Nam có bác sỹ tốt như thế mà ở bệnh viện của mình bác sỹ lại không như vậy?”. Đưa ra một tấm gương sáng đến mức phi thực tế để mọi người soi vào có thể gây các hậu quả tâm lý ngược, khiến bệnh nhân càng thêm thất vọng với hệ thống y tế hiện tại.

Đưa tin theo kiểu “tô đỏ sự việc” vẫn là truyền thống của báo chí nước nhà. Dù sao, như đã nói, bác sỹ Thuận vẫn có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng. Điều này thể hiện bằng thái độ thoải mái, yên tâm của người dân và con số bệnh nhân đến khám.

Câu hỏi của tôi cuối chương trình là “Thế các trạm y tế xã, huyện ở đâu?”. Nhưng đó lại là câu chuyện khác rồi.

Tháng 5.2011

Đinh Linh