Nghề Y sướng hay khổ?

Nói chung, chúng ta – những kẻ tự nhận là yêu nghề và làm nghề chân chính – vẫn luôn miệng kêu nghề Y khổ. Điều này bắt nguồn từ hiện thực khách quan (áp lực công việc, mức đãi ngộ, thời gian và cơ hội mất mát, bị gièm pha này nọ…) nên ít người phản đối.

Tuy nhiên, nghĩ kỹ, cũng không khổ đến thế.

Tớ thử liệt kê vài lý do “tự sướng”.

1. Tuổi nghề dài

Luận điểm quen thuộc nhất là “Bằng giờ này bạn bè đã có nhà lầu xe hơi rồi!” Tớ không phủ nhận, học nội trú đồng nghĩa với đến gần 30 mới tự nuôi được bản thân. Nhưng tuổi thọ của nghề Y lại dài hơn hẳn. Cầu thủ bóng đá và ca-ve giải nghệ sau tuổi 30. Ca sĩ giảm chạy sô sau tuổi 50. Quan chức về vườn sau tuổi 60. Còn mấy ông bác sỹ cứ như giống hoa lan nở muộn lâu tàn, đến ngoài 70 vẫn sống tốt. Tự cổ chí kim, đó là chân lý. Dù rằng vào tuổi 70, đồng tiền kiếm được có lẽ không nhiều giá trị với bản thân như đồng tiền ở tuổi 30. Nhưng ít nhất, chúng ta sẽ không sợ “về hưu”.

2. Sức khoẻ được đảm bảo

Sống ở Việt Nam rất nhục!!! (Vâng, đúng thế). Cái gì không thuộc chuyên môn của mình là có nguy cơ bị lừa rất cao (động từ này hơi nhẹ). Cụ thể: đi chợ thì bị “bóp”, gửi xe máy thì bị “chém”, oánh phỏm thì bị “thịt”, lo thủ tục hành chính thì bị “hành”, vv và vv… Các thầy thuốc nhà ta có thể yên tâm, dù ngày ngày vẫn đối mặt với nguy cơ bị cảnh sát giao thông chặn đường thu tiền vô lối, dù mỗi dịp thu về vẫn phải đạp cổng trường nộp đơn xin học cho con,… thì khi ốm đau bệnh tật, chúng ta và người thân đàng hoàng có cơ hội được hưởng chất lượng chăm sóc tối ưu nhất trong phạm vi tài chính của bản thân và năng lực của nền y tế nước nhà. Mà sức khoẻ là quan trọng nhất, bao giờ chả thế, mãi mãi như thế!

3. Sự ổn định của thu nhập

Trong môi trường mà ba cách làm giàu nhanh nhất là “tham nhũng”, “buôn lậu” và “đầu cơ”, hiển nhiên bác sỹ làm giàu không dễ. Nhưng tớ tin không bác sỹ nào chết đói cả. Thời buổi khủng hoảng này, kiếm tiền tậu nhà, mua ôtô, đánh “gôn” thì khó; chứ để mua cái máy ảnh bèo, mua điện thoại lướt Phây-búc, mua giấy gấp origami, đi hát và thu âm giọng hát, hay cà phê chém gió thì dư sức. Hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ, bong bóng bất động sản sẽ vỡ hoặc không, giá xăng giảm và giá điện tăng,… thầy thuốc nhà ta vẫn ung dung làm việc trong ốc đảo bệnh viện của mình, với thu nhập không lên xuống thất thường như chỉ số chứng khoán. Còn tại sao một người học hành 10 năm – trong đó 4 năm cuối làm việc trung bình 10-14 giờ một ngày, 6-7 ngày trong tuần – lại chỉ có đồng lương bằng một người học 4 năm nhàn nhã, thì không phải là điều nên thắc mắc.

4. Vầng hào quang vẫn luôn luôn toả sáng lung linh

Đó là một ảo giác khó diễn tả bằng lời. Nó đến từ những quan niệm rất đẹp của xã hội Việt Nam về người thầy thuốc, hay từ những hình ảnh hoành tráng trong bộ phim“Anh em nhà bác sỹ”. Khi tự giới thiệu mình học Y, 95% trường hợp bạn sẽ nhận được lời hỏi thăm thân thiện và ánh nhìn trìu mến. Bất chấp tất cả hiện thực phũ phàng, bất chấp bao nhiêu phàn nàn ném đá trên Vnexpress, điểm thi vào trường Y vẫn luôn cao nhất nhì cả nước. Còn nữa, với mặc định nền tảng kiến thức xã hội cực thấp “sáu năm biết mấy kỳ thi, tốt nghiệp đại học còn gì là xuân!”, bạn dường như dễ được cộng đồng ưu ái hơn. “Nhà báo viết blog thì nói làm gì, bác sỹ viết blog mới thật là một bất ngờ nho nhỏ đáng yêu” (hoặc “Không thể ngờ bác sỹ mà lại có cảm xúc như thế”, “Ai bảo bác sỹ chỉ chúi đầu vào bệnh viện nào?”, “Bác sỹ mà cũng biết chụp ảnh hay làm việc này việc nọ”… vv và vv) Dù xã hội đôi khi đánh đập tơi bời, nhìn chung nó vẫn dành cho các thầy thuốc nhà ta rất nhiều ve vuốt ngọt ngào. Dẫu nói một cách chân thành, sau mỗi đêm trực, khi môi khô khốc và lòng trống rỗng, những kẻ trong nghề chẳng bao giờ nhớ tới sự vuốt ve ấy, mà chỉ muốn … về nhà đi ngủ.

Trên đây là vài dòng biện luận xa rời thực tế. Còn bạn nào muốn tìm hiểu thực tế nghề Y, xin tìm đọc “Chuyện tôi tình tôi”, giai phẩm ăn khách nhất mùa hạ 2012, do một đồng nghiệp của tớ viết.

Tháng 7.2012

Việc học lâm sàng của sinh viên

Tuần vừa rồi một em sinh viên Y6 đi học lâm sàng tại khoa mình. Em muốn học, chăm chỉ, biết đọc sách, mình cũng cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên học. Nhưng chẳng biết sau một tuần vất vả có học được gì không. Thay vì đổ lỗi cho cơ chế, mình thử nghĩ một số giải pháp giúp các bạn sinh viên học lâm sàng hiệu quả hơn.

1. Đọc sách

Đọc sách trước rất quan trọng. Nó giúp chúng ta tự tin và hứng thú hơn với chuyên khoa sắp tới. Tốt nhất là đọc ở Medscape, eMedicine, hay Uptodate, vì thông tin rõ ràng và thiết thực. Nếu không biết đến mấy cái kia thì có thể đọc sách giáo khoa (Triệu chứng học, Bệnh học, Điều trị) hoặc tài liệu tham khảo chuyên ngành. Mỗi khoa thường có một quyển chuyên ngành, như khoa Thận là cuốn “Bệnh thận nội khoa”, Tim mạch là “Thực hành bệnh tim mạch”,… Những sách này gần tương tự sách giáo khoa, nhưng cập nhật hơn. Một ngày chủ nhật trước tuần mới dành để đọc sách là đủ. Ngoài ra trong tuần đọc thêm các vấn đề phát sinh. Đọc nhiều thì kỹ năng đọc sẽ tiến bộ, dần dần việc đọc trở nên dễ dàng hơn, tốn ít thời gian hơn.

2. Đề ra mục tiêu cần đạt

Alice nói chuyện với con mèo: “Chỉ đường cho tôi” – “Cô định đi đâu?” – “Tôi đến đâu cũng được” – “Thế thì cô đi đường nào chẳng được, như nhau cả thôi!” (Alice in Wonderland)

Trước mỗi khoa nên đề ra mục tiêu cần đạt, gồm mục tiêu về kiến thức và mục tiêu về kỹ năng.

a. Mục tiêu về kiến thức: nên thiết thực, bám sát nội dung thi và bám sát thực tế lâm sàng

VD: mục tiêu học tập của Y4 khi đi Tim mạch là tăng huyết áp, bệnh van tim, suy tim. Sau một tuần phải nắm được các vấn đề đó. Ngoài ra có thể có: bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não,…

Xây dựng mục tiêu kiến thức dựa trên (i) yêu cầu của giảng viên bộ môn, (ii) lời khuyên của những người đi trước (bác sỹ, nội trú, y lớn), (iii) những gì thu lượm được khi đọc sách, (iv) trải nghiệm (ít ỏi) của bản thân.

b. Mục tiêu về kỹ năng: nên rõ ràng và có tính định lượng

VD: “khám bệnh nhân bệnh van tim” là một mục tiêu không rõ ràng.

Mục tiêu kỹ năng có thể là: mắc được điện tâm đồ, mắc được máy khí dung, làm được 3 bệnh án, nghe được 6 tiếng thổi tâm thu, sờ được 4 cái lách to, nghe được 1 tiếng thổi động mạch cảnh, sờ được 1 lần dấu hiệu “bập bềnh xương bánh chè”, quan sát được 1 ca cấp cứu ngừng tuần hoàn,…

Mục tiêu về kiến thức giúp chúng ta thi tốt, và sau này hành nghề tốt. Mục tiêu về kĩ năng, ngoài vai trò đó, còn giúp người sinh viên không trở nên vô dụng trong những đêm trực. Y tá học sinh cũng là học viên, kiến thức, thái độ còn kém hơn sinh viên Y nhiều; nhưng vì có kỹ năng, nên không vô dụng.

Khi đã có mục tiêu cần đạt thì bằng mọi giá phải thực hiện được mục tiêu đó, không bị lôi kéo theo đám đông (trừ lúc kéo nhau đi nghe giảng lâm sàng). Theo đuổi mục tiêu thì cũng đỡ phải khoanh tay đứng ở hành lang, rất vô vị và mệt mỏi.

3. Làm bệnh án

Muốn làm được bệnh án tốt, điều kiện cần là: (i) khám bệnh nhân kỹ càng, (ii) đọc sách về bệnh của bệnh nhân, (iii) có tư duy rõ ràng và mạch lạc.

Tư duy rõ ràng mạch lạc không chỉ cần thiết cho sinh viên mà còn cho mọi nhân viên y tế. Điều này đòi hỏi kỹ năng được rèn luyện.

Một số kỹ năng để làm bệnh án tốt:

  • Mục đích của bệnh án là đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị. Mọi dòng chữ không phục vụ mục đích này đều bị coi là thừa thãi.
  • Chẩn đoán của sinh viên không nhất thiết phải luôn phù hợp với chẩn đoán của bệnh phòng. Điều quan trọng là nó dựa trên cơ sở lập luận rõ ràng, qua các thông tin thu được từ hỏi bệnh, thăm khám.
  • Không cần quá trau chuốt về ngôn từ.
  • Cuối cùng, tưởng tượng mình chỉ được trình bày bệnh án trong 10 câu, khi đó sẽ bỏ câu nào và giữ lại câu nào. Chắc chắn những thông tin như “tuyến giáp không to, hạch ngoại biên không sờ thấy, tim đều, phổi rì rào phế nang rõ, không rale, bụng mềm gan lách không sờ thấy”… sẽ bị lược bỏ. “Tóm tắt bệnh án” không phải là đọc một khung có sẵn mà là “trình bày những thông tin cần thiết nhất với số chữ ít nhất”.

Với mỗi bệnh trong mục tiêu kiến thức, cố gắng làm một bệnh án. Khi đã đọc sách trước thì thời gian dành cho một bệnh án chỉ cần 30-60 phút.

4. Học được mà không tốn quá nhiều thời gian

Giờ cao điểm thì hay tắc đường, mất nhiều thời gian để đi đến đích. Nếu bạn sinh viên thực sự muốn tham khảo bệnh án hay khám một bệnh nhân thú vị, kiểu gì cũng có cách. Tránh việc phải “xếp hàng”, vừa tốn công, vừa có nguy cơ “bị đuổi”.

Những thời điểm thuận lợi cho việc tự học lâm sàng là:

  • Buổi sáng trước giờ giao ban (từ 7h-7h30). Khi đó bệnh nhân khá thoải mái, bệnh án luôn sẵn sàng
  • Buổi chiều tầm 3-5 giờ chiều, sau khi người bệnh ngủ dậy và trước lúc họ ăn tối
  • Buổi tối là thời điểm tốt để ôn lại bài giảng ban ngày và khám bệnh nhân mới, sau đó đối chiếu với phần khám của bác sỹ

5. Không trở thành người thừa trong bệnh phòng

Một sinh viên bị coi là người thừa trong bệnh phòng là sinh viên:

  • Ngồi trong phòng hành chính lấy hết chỗ của bác sỹ và y tá
  • Có thái độ hờ hững khi mọi người đang bận rộn, lo lắng, cấp cứu bệnh nhân
  • Mượn bệnh án để xem trong khi mọi người đang bận rộn
  • Trả lời người bệnh một cách thờ ơ, coi như đây không phải việc của mình
  • Cười đùa vô ý thức (ở bất cứ đâu)

Ngoài ra, nếu tham gia thêm các công việc của bệnh phòng (đo huyết áp, theo dõi bệnh nhân, chép thuốc, ghi xét nghiệm…) thì càng được hoan nghênh. Tuy nhiên điều quan trọng là phải thực hiện được mục tiêu cần đạt của mình.

Trên đây là vài suy nghĩ nhỏ, mình viết với tư cách một người trước đây không lâu còn là sinh viên (cũng muốn học nhưng vẫn hay đút tay vào túi áo lang thang vô bổ), bây giờ làm bác sỹ điều trị, cũng  thỉnh thoảng được phân công đi giảng sinh viên và đi hỏi thi lâm sàng. Hy vọng có ích.

Tháng 2.2012

Đinh Linh

 

Lễ tốt nghiệp

Bài phát biểu trong ngày tốt nghiệp bác sỹ nội trú.

 

Kính thưa …

Hôm nay, tôi rất vinh dự được đại diện cho các bác sỹ nội trú khóa 31 phát biểu cảm tưởng trong ngày tốt nghiệp. 

Thưa các thầy cô và các bạn, những ngày đầu tháng 1 năm 2007 là những ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên. Đó là ngày chúng tôi nhận kết quả đỗ kì thi tuyển bác sỹ nội trú bệnh viện. Đó cũng là thời điểm chúng tôi chính thức bước chân vào một chặng đường mới nhiều khó khăn thử thách nhưng cũng tràn đầy cảm xúc. Bác sỹ nội trú là một loại hình đào tạo đặc thù và truyền thống của ngành Y. Nhưng hơn hết, vượt ra ngoài mọi bằng cấp, chứng chỉ, tên gọi “bác sỹ nội trú bệnh viện” đã hàm chứa bao nhiêu tự hào, là niềm mơ ước và phấn đấu của hầu như mọi sinh viên Y khoa khi tốt nghiệp. Đây là niềm tự hào được xây dựng bởi rất nhiều thế hệ thầy thuốc đi trước, từ những khóa nội trú đầu tiên. Chính vì thế, đỗ nội trú là niềm vinh dự nhưng cũng là thử thách đối với mỗi chúng tôi.

Vậy mà ba năm học thấm thoắt đã trôi qua. Trong mỗi chúng ta ngồi đây, hẳn vẫn còn vẹn nguyên kí ức về những ca lâm sàng bỡ ngỡ đầu tiên, sự căng thẳng trong những đêm trực đầu tiên, hay niềm vui khi lần đầu tiên điều trị một ca bệnh thành công. Ba năm coi bệnh viện là nhà, chúng tôi đã học tập và làm việc với niềm tin mình đang được rèn luyện trong môi trường đào tạo y khoa tốt nhất, bên cạnh những người thầy giỏi nhất. Dù khó khăn vất vả, dù nhiều lúc thất bại, và cả nhiều lần trả giá đau lòng, nhưng hôm nay chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì đã hoàn thành tốt chặng đường gian nan đó.

Ba năm học vừa qua chỉ là những bước chập chững đầu tiên trong sự nghiệp y khoa. Tuy đầy vinh dự, nhưng “nội trú” vẫn là danh từ chỉ các bác sỹ đang trong quá trình học hỏi để tự hoàn thiện và tiến bộ hơn. Ngày hôm nay, khi chính thức không còn được gọi là “bác sỹ nội trú” nữa, chúng tôi hy vọng chất lượng chuyên môn của người thầy thuốc đã trưởng thành không chỉ thể hiện qua tên gọi bên ngoài, mà những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy được sẽ chuyển thành năng lực và bản lĩnh nghề nghiệp bên trong, với một quá khứ từng là “nội trú”.

Trong niềm vui hân hoan của ngày tốt nghiệp ra trường, thay mặt các bạn, em xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các thầy cô – những người thày, người anh, người đồng nghiệp đã tận tình giúp đỡ chúng em suốt ba năm qua. Các thày cô đã truyền dạy cho chúng em kiến thức, phương pháp tư duy, tình yêu nghề, và hơn hết là lòng nhân ái đối với mỗi bệnh nhân. Những kiến thức sách vở, hay các kĩ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại rồi sẽ có lúc lỗi thời, chỉ có lòng yêu nghề và sự đồng cảm cùng người bệnh là còn mãi, để làm động lực cho chúng em vững bước đi trên con đường đã chọn. 

Cuối cùng, xin cảm ơn tất cả các bạn nội trú khóa 31 đã cho tôi niềm vinh dự được thay mặt các bạn phát biểu cảm tưởng trong buổi lễ này. Cảm ơn các bạn đã cùng tôi đi hết một chặng đường chông gai, để chuẩn bị đi tiếp một chặng đường còn chông gai hơn. Đó là con đường trở thành người bác sỹ có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, để luôn xứng đáng với danh hiệu “bác sỹ nội trú bệnh viện”.

 

Hà nội, tháng 1.2011

 

Trực bệnh viện Đại học Y

Trực bệnh viện Đại học Y

Tôi đang trực bệnh viện Đại học Y Hà Nội, không biết là đêm trực thứ bao nhiêu của năm thứ ba nội trú. Một đêm trực quá bình lặng, nếu so với phòng C3 luôn “sôi nổi” và ồn ã. Không mấy người thích trực trường Y, có lẽ vì buồn tẻ quá. Mà lũ nội trú tụi tôi vốn toàn loại “ngựa non”, thèm cảm giác adrenaline sôi lên trong máu của những ca sốc tim, suy hô hấp, hay cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Bệnh phòng sạch sẽ và lặng lẽ. Khoảng 5-6 bệnh nhân đến khám. Không quá ít, không quá nhiều. Tôi tiếp đón từng người với sự chậm rãi dễ chịu ngấm ngầm. Ở đây, nơi “yên bình” này, chúng tôi – thầy thuốc và bệnh nhân – có thể cư xử với nhau “đàng hoàng” hơn một chút. Nghĩa là thầy thuốc không phải to tiếng hay gắt gỏng, còn bệnh nhân tự dưng mất hẳn thói quen thì thào dấm dúi vào tay bác sỹ vài tờ tiền xanh đỏ. Tôi nhìn người bệnh mới nhất của mình bắt đầu được y tá cắm chai truyền dịch – một ca sốt phát ban, xét nghiệm máu không có gì đặc biệt, có lẽ sẽ ngủ đêm tại nhà sau khi hạ sốt – và tự hỏi điều gì thực sự quan trọng đối với mỗi bệnh nhân? Mọi sự so sánh đều khập khiễng, dĩ nhiên trong từng hoàn cảnh cụ thể cần cố gắng hết sức để đem lại lợi ích cho người bệnh. Nhưng nếu lợi ích đó là tối thiểu, mặc cho những nỗ lực tối đa, liệu có thể không buồn? Một đêm trực C3, cả lũ nội trú cũ mới đã hì hục cấp cứu bệnh nhân trong 2 tiếng, đặt tất cả những gì có thể đặt (nội khí quản, máy tạo nhịp, đường truyền tĩnh mạch trung tâm), chỉ để 10 phút sau đó y tá lặng lẽ rút hết những gì có thể rút. Không phải chỉ một lần chúng tôi đã nhìn thấy kết cục không thể đảo ngược. Khi cần chọn lựa giữa sự sống và cái chết, câu trả lời dường như đơn giản. Thực tế lâm sàng đôi khi chẳng giản đơn như thế.

Tôi vẫn thích phòng cấp cứu C3, bởi những va vấp, sương gió của nó đem lại các trải nghiệm không thể đong đếm. Nhưng bao nhiêu thứ “hoành tráng” mà lũ nội trú tụi tôi vỗ ngực tự hào, liệu có đem lại cho người bệnh sự thanh thản, như bệnh nhân sốt virus kia đang thanh thản nằm nhìn từng giọt dịch truyền chậm rãi rơi.

Năm thứ ba nội trú, đôi lúc vẫn có cảm giác chưa thể hiểu hết công việc mình đang làm.

Tháng 4.2010

Quán cơm Bà Béo

Đợt vừa rồi, vì lý do học thi nội trú, tôi có khoảng hơn một tháng ăn trưa (và nhiều khi ăn tối nữa) ở một quán cơm bụi trong trường, gần khu E3, E4.

Nơi tôi hay ăn được biết đến với một tên gọi hết sức phổ thông và dễ nhớ: “quán Bà Béo” (trên đời này có biết bao nhiêu “quán Bà Béo”, nhưng trong trường Y chỉ có một). Hầu hết những kẻ mắc hội chứng ÔTNT trầm trọng đều chọn ăn ở đây. Chúng tôi suốt ngày chạm mặt nhau trên giảng đường, trong thư viện, trong quán nước, nên cũng chẳng ngạc nhiên khi đến giờ ăn trưa lại ngồi chung một bàn, hoặc trò chuyện với từ bàn này qua bàn khác. Cái viễn cảnh khoác áo blouse trắng (thường là phanh ngực “cho oai”) ra căng-tin bệnh viện, vừa ăn vừa thảo luận về những ca bệnh khó xem ra có vẻ khá hấp dẫn và “pro”. Nhưng trước đó, cần phải trải qua những ngày ăn trưa trong cái quán chật chội này, với các chủ đề kém thi vị hơn rất nhiều như: “Học Giải phẫu dài và khó quá!”, “Phần biến chứng của nhồi máu cơ tim có phải nêu mục X, Y, Z không nhỉ?”, “Nào, tranh thủ vừa ăn vừa ôn lại ‘Chỉ định và chống chỉ định của thuốc tránh thai’ ”.

Thực ra, trường Y có truyền thống “ăn cơm theo khoá học”. Những quán ăn khu E4 vốn dành cho dân sau đại học. Còn mấy quán sát kí túc E2 là của hội sinh viên Y2, Y3. Mấy nơi này hay có trò đun nước sôi đặt phía dưới đĩa thức ăn, nhìn ngoài bốc hơi nghi ngút, gọi ăn mới thấy lạnh ngắc ngư. Dù sao vẫn khá hơn nhà ăn sinh viên – căngtin chính thức của trường – nơi thức ăn vừa nguội vừa đắt. Chỗ đấy là dành riêng cho mấy cô chú “Y muỗi” lơ ngơ mới nhập học.

Có thể đồ ăn ở quán Bà Béo nóng hơn, ngon hơn; hoặc đơn giản chỉ do thói quen, mà tụi tôi hầu như không mò vào các quán khác. Qui trình lấy cơm ở đây khá nhanh gọn. Chỉ cần cười chào bà Béo một câu, chỉ trỏ vài món ăn, bê lấy bát canh, và tất nhiên – giả tiền. Dân tình thường gọi khá nhiều thịt, cá, trứng; có lẽ do chưa quen đọc vẹt mấy guideline của WHO về phòng và điều trị bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận… Lũ chúng tôi thì khác, nện vào rất nhiều rau củ quả (nhất là đậu cô-ve), và luôn cố gắng tuân thủ đúng ô vuông dinh dưỡng của cuốn “Bài giảng Nhi khoa”.

Đó là những ngày dài và căng thẳng, khi thời gian biểu được sắp xếp chi li đến từng … 15 phút. Giờ ăn trưa bỗng trở thành khoảng thời gian thư giãn hiếm hoi không bị đè nặng “mặc cảm tội lỗi”. Nghĩa là cậu Huy kủng bạn tôi có thể thoải mái kể chuyện mấy em Y bé quen trên giảng đường (Luna chẳng hạn), Minh béo có thể nói về em Chai-kô, người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy. Còn tôi thừa thời gian để mỗi hôm thủng thẳng vài câu “Kiều” (chắc là rất được hâm mộ) “Ba năm trong cõi Sản khoa/ Những điều trông thấy mà kinh đến già/ Rằng ngày mùng 8 tháng 3/ Thuý Kiều đi khám Sản khoa lần đầu/ Lý do bụng dưới quặn đau/ Mà da niêm mạc có màu xanh xao…”. Mấy ông bạn khoái chí, hôm nào cũng lẩm nhẩm ngâm nga, chăm hơn học thi. Mà nhớ thêm 50 câu Kiều (lại là những câu hay) thì có hại gì, chí ít học bài “Chảy máu Sản khoa” cũng đỡ nhọc nhằn hơn một chút.

Tôi nhớ Điền “thăng”, ôn thi nội trú Chẩn đoán hình ảnh, có giao ước là mỗi hôm đi ăn cùng nhau thì tôi phải đọc cho cậu ta một “câu tủ” về chuyên ngành Ngoại-Sản. Tôi học Nội, chẳng biết đề cương ôn Ngoại có những mục nào, nhưng cứ phán bừa. Hôm thì “Thoát vị bẹn”, hôm lại “Thai chết lưu” hay “Vết thương mạch máu”. Cuối cùng đến hôm thi trúng được câu Giải phẫu “Vẽ thiết đồ ống bẹn” thì phải, còn lại chệch toàn phần. Không biết kết quả thi của Điền ra sao, đặc biệt thấy hơi hồi hộp. Mà nói vậy thôi, chứ thi Nội trú là việc quan trọng cả đời. Trừ những thằng cùng quẫn, đố đứa nào dám học tủ!

Tôi nhớ Huy kủng hay vừa ăn vừa kể chuyện (một cách hết sức có duyên) về những “va chạm nghề nghiệp” mà cậu ta từng gặp. Nói chung, buổi ăn trưa là một dịp hay để ôn lại quãng đời sinh viên học lâm sàng của mình, để nhớ về những buổi giao ban giảng đường C, về phòng mổ Việt Đức, hay kể lại câu chuyện một cô bé bị kim găm trong lớp mỡ dưới da dày quá các bác sĩ tìm không thấy, vv và vv… Chính từ những giờ phút nói cười thoải mái ấy, bao nhiêu giai thoại đã ra đời (chuyện về CIDS chẳng hạn). Những giai thoại trường Y tuyệt vời ở chỗ nó độc đáo và không dễ quên. Nó đi từ bệnh viện ra giảng đường, rồi vào quán nước, quán cơm. Nó lưu truyền trong các thế hệ sinh viên như một thứ “Tịch Tà kiếm phổ” mà lũ Y bé luôn thấy hấp dẫn và khao khát được thưởng thức.

Thế là một tuần đã trôi qua. Khi ta lỏng dây cương thì thời gian đi rất nhanh. Đã 1 tuần không đến quán ăn Bà Béo, cảm giác như mình không còn thuộc về những ngày ôn thi nội trú nữa. Quán ăn Bà Béo chắc vẫn đông, nhưng “giờ cao điểm” lúc 11h30 thì sẽ vắng hơn một chút. Chỉ 10 ngày nữa thôi, kết quả thi sẽ dán kín một góc tầng 3 nhà A1, không hiểu “bà Béo” có nằm trong số đám đông tò mò chạy lên xem điểm không nhỉ.

Tháng 1.2007

Gửi em

Em thân yêu,

Thế là ngày mai em đi lấy chồng. Anh tự hỏi những ngày sau đấy anh sẽ như thế nào. Tình hình xem ra khá là bi đát.

Anh sẽ không còn được chui vào nhà em buôn chuyện (chà, anh nhớ cái khu tập thể đấy, mỗi lần anh phóng xe vào luôn là một dịp tuyệt vời để mấy cụ già chép miệng và con chó ngu xuẩn cạnh nhà em sủa lên inh ỏi như chưa bao giờ được sủa). Buôn chuyện là một thói quen tốt, nó giúp anh thư giãn về tinh thần và mạnh mẽ hơn về thể chất; bởi vì đôi khi em lại đem kem, sữa chua ra mời anh (còn nếu em không mời thì anh sẽ hiểu em đã ra tín hiệu “Hãy ăn bánh ngọt đi!”, anh chỉ việc lấy bánh ngọt trong hộp, đơn giản vậy thôi).

Anh không thể đến nhà em “học nhóm” được nữa, dù rằng sự chăm chỉ gạo bài của chúng ta đôi khi hơi thái quá (ý anh muốn nhắc đến cái lần học Sinh lý năm Y2 tới gần nửa đêm, và buổi “ôn tập” Nhi vô cùng hoành tráng gần đây, hình như cũng quá 11h30 thì phải). Chúng ta đã cùng đọc như vẹt những dòng ngồn ngộn chữ của môn Tâm lý Y học, hoặc nhồi nhét mấy công thức Dược lý đủ để làm em “shock phản vệ”. Rồi còn cùng nhau “chia sẻ” những áng văn bất hủ của môn Triết nữa chứ (chắc em vẫn nhớ thế nào là “chia sẻ”, phải không?) Tất nhiên, thời gian học luôn luôn ít ỏi so với thời gian chat-chit hay ăn uống, nhưng mà anh với em vẫn là những học trò ngoan, thật thế!

Anh bắt đầu thấy nhớ lũ chó, mèo, gấu nhà em. Mỗi lần gặp anh, em đều bắt chúng chào anh theo cái cách (mà em cho là) hết sức dễ thương. Anh thì không thấy thế, và anh luôn sẵn sàng chà đạp lũ thú cưng đấy mỗi khi có thể – dù rằng chúng chỉ là thú nhồi bông thôi. Ngày mai, em sẽ bê tất cả lũ chúng nó về nhà chồng, bày trong tủ kính hoặc vứt lăn lóc trên đệm; để chồng em ngắm chúng, và bắt chồng em phải chào chúng. Ngay lúc này đây anh có thể tưởng tượng ra vẻ mặt ngán ngẩm của chồng em khi đó (anh ý có rất nhiều điểm giống anh, thật thế!)

Anh không biết mỗi khi có chuyện “thú vị” cần chia sẻ, anh sẽ tìm đến ai, em yêu quí ạ. Anh nhớ những buổi chiều anh đến chỉ để khoe em một vài tin tức “hot”, anh nhớ buổi sáng thi Đại học năm 2002, anh qua nhà em để kể nỗi lo lắng về cái đề thi Sinh củ chuối. Anh nhớ những lúc đến nhà em chỉ để nghe em vỗ về, vì em có thể đọc được trong mắt anh những điều anh chưa cần nói.

Có quá nhiều chuyện để anh nhớ, thật thế!

Tất nhiên là anh biết nhà chồng em (mà từ mai đó sẽ là nhà em). Nhưng anh hình dung ra một viễn cảnh không tươi sáng lắm khi anh vào nhà em, lấy bánh ngọt trong tủ, trêu lũ thú cưng của em. Trong lúc anh đang say sưa ăn uống và chat-chit thì chồng em (cũng say sưa chẳng kém) nói về lẩu lòng, HIV, hay Cytomega virus,… Đúng lúc đó mẹ chồng em xuất hiện, theo sau là … bà nội em. Em sẽ đóng vai nàng Li-Dơ ngồi khóc thút thít vì oan ức, chồng em đương nhiên là hoàng tử. Còn anh, còn vai diễn nào nữa đây ngoài mụ phù thuỷ độc ác và nham hiểm, giơ đầu ra chịu sự chà đạp (vì độc ác mà!) Nghiệt ngã quá, thật thế!

Tóm lại anh rất chi là buồn.

Và anh biết có những người còn buồn hơn anh.

Cả con chó Mập nhà hàng xóm nữa, nó chắc cũng sẽ buồn.

Nhưng mà anh biết em sẽ rất vui.

Em sẽ cười thật xinh (giống như mấy phim Hàn Quốc mà em vô cùng hâm mộ ấy). Có thể là sẽ khóc một chút xíu (ai mà biết), nhưng rồi cuối cùng em sẽ vẫn cười, vì chồng em sẽ làm em hạnh phúc, vì mẹ chồng em thật là dễ thương và bố chồng em thì coi em như con đẻ từ lâu lâu rồi.

Chúc em luôn vui mãi!

Yêu em rất nhiều!

Tháng 1.2007

Những kì thi lâm sàng

Tôi có thể đếm được mình đã trải qua bao nhiêu buổi thi lâm sàng.

Này nhé: Nội, Ngoại mỗi môn thi 3 lần; Sản, Nhi mỗi môn thi 2 lần, Lây, Đông Y, Mắt, Tai Mũi Họng, Dị ứng, Lao, Da liễu, Phục hồi chức năng, Thần kinh, Tâm thần. Những kì thi ở trường Y dày đặc đến nỗi, nếu xếp kí ức về từng buổi thi lại cạnh nhau, bạn sẽ có một bức tranh tương đối rõ nét về quãng đời học lâm sàng của mình.

Học kì II Y3, tôi phải thi môn đầu tiên: lâm sàng Nội. Đến giờ tôi vẫn nhớ rõ hồi đó mình đã chuẩn bị những gì trước khi đi thi: ống nghe, nhiệt kế, thước dây, máy đo huyết áp. Tôi chỉ lo nếu không mượn được mấy chị y tá cái nhiệt kế, thì bệnh án thi của tôi sẽ khuyết mất phần “nhiệt độ”, tương tự như thế là cái đo huyết áp. Ít có khả năng phải dùng thước dây, nhưng lỡ tôi bốc thăm phải một bệnh nhân khoa Cơ Xương Khớp thì sao, thầy giáo có thể bắt tôi đo độ giãn cột sống thắt lưng (nghiệm pháp Schober) lắm chứ? Chả dại!

Thật là ấu trĩ, thật là ngây thơ, thật là không thể tưởng tượng nổi!

Tất cả những cái ấy, cùng với một bệnh án đẹp đẽ và hoành tráng, hoá ra lại là thứ vô duyên nhất trong thực hành lâm sàng. Cô giáo của tôi (“Peace upon her!”) chỉ muốn sinh viên trình bày càng ngắn gọn càng tốt. Buổi hỏi thi – gồm cả tóm tắt tình hình bệnh tật, khám lâm sàng, đưa ra chẩn đoán, trả lời những câu hỏi phụ – kết thúc trong vòng 10 phút, bằng 1/6 thời gian tôi bỏ ra để “trang trí” cho những trang bệnh án không ai thèm đọc. Tôi rất quí cô giáo hỏi thi hôm đấy (BS Hỷ, viện phó viện Lão khoa Trung Ương) không chỉ vì tác phong dịu dàng từ tốn của cô, mà còn vì cô đã giúp tôi phân biệt đâu là cái tiểu tiết, đâu là chi tiết quan trọng cần chú ý khi đứng trước một bệnh nhân. Tất nhiên, còn lý do thứ ba nữa: cô cho tôi điểm 9. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt mà.

Tôi nhớ tất cả các kì thi lâm sàng của mình. Có những hôm thật là thú vị, khi bạn nắm quá vững bệnh nhân và chỉ chờ thày hỏi 1 câu là cả dòng thác biện luận, lý luận, phân tích, chẩn đoán, tiên lượng ào ạt trào ra khiến thày chỉ còn nước gật gù khen ngợi . Có điều những ngày đẹp trời như thế không nhiều lắm. Thường thì giáo viên rất biết sinh viên “sở trường” cái gì, và chả bao giờ muốn hỏi những câu hỏi “tầm thường” cả. Thày có thể lật lại một vấn đề của … năm thứ nhất mà sinh viên năm cuối chịu không nhớ được, thế là “Trời ơi, sắp thành bác sĩ rồi mà cái này cũng không biết ah?”. Bạn nghĩ xem, lúc đó chẳng cứ gì thác, đến biển cũng còn bị chặn lại nữa là. Nói chung, thi lâm sàng rất “khó lường”, nhất là khi các giáo sư hỏi thi. Một giáo sư sẵn sàng cho bạn điểm 9 vì bạn biết AIDS là viết tắt của cụm từ gì trong tiếng Anh, trong khi một giáo sư khác sẽ nện bạn te tua chỉ vì bạn quên không hỏi nhà bệnh nhân cách trạm xá bao xa (tôi tin thầy có lý do chính đáng khi yêu cầu sinh viên nắm được khoảng cách ấy, nhưng dù sao những câu hỏi như thế cũng thật là xương xẩu).

Các thày cô ở trường tôi, mỗi người hỏi thi một kiểu, không ai giống ai. Cô Hồ (khoa Tiêu hoá Bạch Mai) lúc nào cũng dịu dàng điềm đạm như mẹ nói chuyện với con, được cô hỏi cứ gọi là sướng. Thày Thái ở khoa Hô hấp thì enjoy việc hỏi thi đến mức rất hay “dồn sinh viên vào đường cùng”. Thày Sơn khoa phẫu thuật Tiêu hoá bệnh viện Việt Đức đã làm sinh viên chết cười với cách hỏi thi thế này: “Cậu trực tối hôm kia ah, thế thì cậu trực cùng tua với tôi rồi, sao tôi không thấy cậu nhỉ? Hay là cậu toàn bùng trực? Thôi cậu vẽ cho tôi cái sơ đồ phòng khám cấp cứu Ngoại đi…”. Hay một giáo viên khác sau khi đặt ra một câu hỏi khá hóc búa đã an ủi chú sinh viên khốn khổ “Cái bệnh này đến tôi còn chưa chẩn đoán được thì trình độ cậu đừng có mơ!!!”. Thú vị nhất là thày Phúc ở Lây, rất hay hỏi học trò các câu giống nhau. Có em Y bé nào năm thứ 5 thi bàn thày Phúc, nhớ hỏi bạn thi trước xem câu hỏi thế nào rồi chuẩn bị sẵn, đảm bảo chắc ăn!

Lại còn bệnh nhân thi nữa chứ. Bệnh nhân của bạn có thể vui vẻ và dễ tính, hoặc cũng có thể cau có khó chiều (trong khi thời gian để khám bệnh dành cho mỗi sinh viên là tương tự nhau); người  bệnh có thể đang ngoan ngoãn nằm trên giường chờ bạn đến làm bệnh án thi, hoặc đang tung tăng dạo chơi đâu đó khiến bạn tá hoả vì “không tìm thấy đề bài”. Sẽ đơn giản biết bao nếu bạn bốc thăm vào một bệnh nhân viêm phổi với những triệu chứng kinh điển đã có trong Y văn từ 200 năm nay; sẽ thật khổ sở nếu bạn gặp một “trẻ 34 ngày tuổi táo bón chưa rõ nguyên nhân”,… Tóm lại là vô cùng đa dạng và rõ ràng kẻ không may chẳng có lý do gì để than thân trách phận cả vì hoàn toàn có khả năng “lần thi sau mình sẽ may mắn … gấp 10 lần nó!”. AQ hay không thì chưa biết nhưng “giảng đường là thao trường, bệnh viện là chiến trường” (“the enemy is…?”), trong hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng hết sức thôi.

Phải thừa nhận một điều là tôi rất thích các kì thi lâm sàng (nghĩa là thích hơn so với thi lý thuyết, chứ bạn đừng so sánh 3 tiếng căng thẳng và mệt mỏi ở bệnh viện với 3h chơi game). Có thể số tôi may mắn. Năm Y3 tôi được một giáo sư “hào phóng” tặng cho điểm 10 lâm sàng Ngoại (lại là giáo sư), các bệnh nhân tôi gặp đều ngoan ngoãn và nhiệt tình, những bác sĩ hỏi thi tôi thường không có thói quen đặt bẫy để mong tôi vấp ngã… Tôi tin rằng mình học được khá nhiều trong buổi thi lâm sàng, và các câu hỏi của thày cô – nếu không quá “lạ lùng” – đều là những tình huống giả định tuyệt vời giúp tôi học cách đối phó với hàng trăm hàng ngàn “kì thi” thực tế trong tương lai.

Hôm nay vừa hoàn thành luận văn, tự cho phép mình dông dài một chút. Ngày mai sẽ là kì thi lâm sàng cuối cùng của tôi. Tất nhiên, tôi nói rồi, sẽ còn nhiều nhiều kì thi nữa, những kì thi không phải làm bệnh án; những kì thi không cho tôi 3 tiếng đồng hồ để suy nghĩ mà nhiều khi chỉ là một vài phút ngắn ngủi trước khi đưa ra một quyết định quan trọng. Nhưng dù sao, đây cũng là kì thi cuối cùng của thời sinh viên (thi tốt nghiệp không phải là “the last one” thì gọi là gì?). Với kinh nghiệm thu được từ 18 lần “trận vòng loại” trước đó, tôi tin là “trận chung kết” này sẽ có kết quả tốt đẹp.

Sẽ tốt đẹp cả thôi!

Tháng 5.2006

Dinh Linh


Sinh viên Y đi trực

Biết dùng từ gì để tả những đêm trực thời sinh viên?

Tôi không thể nói rằng “bổ ích và thú vị”. Tất nhiên là nó rất bổ ích – theo một khía cạnh nào đó – và đôi khi thú vị nữa; nhưng tôi không muốn các bạn hiểu nhầm rằng tôi mong chờ những đêm trực, rằng trước mỗi tua trực lòng tôi dấy lên một niềm hứng khởi dạt dào như một cậu bé nghĩ đến việc chơi game, như một cô bé nghĩ đến thú nhồi bông, như một quí bà nghĩ đến việc đi shopping, vv và vv,…

Tôi cũng không thể suốt ngày kêu ca là “mệt mỏi”. Một số đêm trực rất rất rất mệt mỏi, nhưng cũng có nhiều đêm thật nhàn nhã và sung sướng. Bạn hãy nghĩ một cách logic thế này: nền  y tế Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện (tôi có khá nhiều số liệu để chứng minh điều đó). Do vậy, sẽ là vô lý nếu ta cho rằng các khoa phòng lúc nào cũng kín đặc những bệnh nhân thập tử nhất sinh, những người mà chỉ cần ta lơ là một chút thôi thì họ sẽ lên một cơn XYZ nào đó (tôi dùng chữ “XYZ” thay cho các thuật ngữ chuyên môn để bạn đỡ thấy rối rắm) và rơi vào tình trạng nguy kịch. Vài bệnh nhân có thể mất ngủ (vì đau, vì mệt, vì lo lắng), nhưng nhiều người ngủ ngon trong bệnh viện, một số thậm chí còn sinh hoạt điều độ hơn khi ở nhà (không thức khuya quá, không xem bóng đá ban đêm, giải trí nhẹ nhàng, không to tiếng hay cãi vã, rượu và thuốc lá đương nhiên là bỏ). Nói chung, trong một đêm trực yên bình, nhiệm vụ của sinh viên chỉ là khám các bệnh nhân mới, ghi vài dòng theo dõi vào bệnh án, xử lý vài tình huống lặt vặt.

Thế thì “vui vẻ” vậy? Trời ơi, đi trực mà còn thấy vui? Bạn bè rủ đi chơi – “Tối nay tao bận trực rồi”. Và trong lúc chúng nó tung tăng chơi bời ở đâu đó, nhảy múa và ca hát, mút chùn chụt từng que kem mát lạnh hay xuýt xoa với đĩa nem chua nướng thơm lừng, thì người sinh viên Y chăm chỉ (không chăm thì sẽ bị kỉ luật) cặm cụi bên chồng hồ sơ bệnh án, hoặc ngồi gà gật đọc vài trang báo nhạt nhẽo để giết thời giờ. Có sinh viên Y nào không nhớ Viện Nhi Trung Ương với dãy hành lang vừa dài vừa tối, với căn phòng giao ban trống trải ánh điện mù mờ, với sự cô đơn đến não nề khi lê bước leo 8 tầng thang gác không một bóng người (thang máy hỏng, các bạn ạ). Hai khái niệm “đi trực” và “vui vẻ” ít khi song hành cùng nhau.

Này, nhưng đừng vội phán là “buồn tẻ” đấy nhé. Trong ba năm học lâm sàng ngắn ngủi của mình, tôi đã trải qua hai cái Tết ở bệnh viện. Năm thứ tư: trực cả ngày mùng 1 (24/24h), năm thứ sáu: trực đêm 30. Cứ nghĩ xa nhà là sẽ buồn, nhưng tua trực thân quen và gần gũi cũng làm lòng ta ấm lên chút ít. Đêm 30 Tết vừa rồi, cả tua trực vào phòng bác sĩ liên hoan tất niên. “Bệnh nhân cấp cứu thì cũng phải chờ một chút để chúng ta chúc mừng năm mới nhau cái đã”. Có thịt gà, có bánh chưng, giò lụa, canh bóng nấu với măng, và vui hơn, có những giai thoại trường Y vừa kì dị, vừa độc đáo, vừa hài hước, ai đã nghe qua một lần sẽ chẳng thể nào quên. Năm Y4 thậm chí còn thấy tiếc một chút vì không được trực đêm 30, trực đêm 30 ở phòng khám Ngoại Việt Đức là sẽ được thày Bách đến chúc Tết và mừng tuổi. Nghe kể lại: bác sĩ cọc I được 2k, cọc II 5k, sinh viên nhỏ nhất, không biết có được đến 20k không? – Tiếc thay đó cũng là cái Tết cuối cùng của thày.

À, mà đang nói về những đêm-trực-không-buồn-tẻ, phải không nhỉ? Còn gì thú vị hơn khi được gặp một anh nội trú “hợp giơ”, nghe anh kể lại những kinh nghiệm lâm sàng, chia sẻ những tâm tư, trăn trở. Còn gì vui hơn khi mình trực cùng tua với đứa bạn thân, hẹn nhau vào một thời điểm rỗi rãi nào đó (bạn biết đấy, có khá nhiều lúc rỗi rãi) rồi cùng nhau đi ăn tối và buôn chuyện? Tôi nhớ đêm Quốc khánh vừa rồi (2/9/2005), ba đứa sinh viên bên cạnh việc trực khoa Sản Bạch Mai còn kịp tổ chức cho mình một bữa kỉ niệm ra trò với đủ cả thức uống và đồ nhắm (cụ thể là gì thì xin phép không nói ra). Hay như tuần trước trực Ngoại Việt Đức, đêm trực cuối cùng của thời sinh viên, cả tổ góp tiền lại làm một buổi liên hoan xôm tụ, mời tất cả bác sĩ y tá cùng tham dự. Lại thêm một lần “Cứ tiến hành cấp cứu bệnh nhân, nhưng sau đó lên liên hoan với các em Y6, nếu phải mổ mai mổ bù đến trưa cũng được” (thày Hưng 1B mà còn phát biểu như thế, đố bác sĩ nào “không dám” lên chung vui?)

***

Bạn thân mến, bạn thật đáng yêu khi kiên nhẫn đọc tới dòng cuối cùng này. Tôi đã viết quá dài, đã quá xa cái mục đích ban đầu của mình (chịu không hiểu nổi ban đầu mình định viết gì về các đêm trực nữa). Nhưng có một điều chắc chắn là: dù tôi không thể nhớ hết từng đêm trực, nhưng tôi nhớ khá nhiều, và khá rõ đến từng chi tiết. Thế là đời sinh viên đã trôi qua, sắp đến lúc “rũ bùn đứng dậy sáng loà” (bác sĩ thì phải oai hơn sinh viên nhiều chứ, phải không?), nhưng sao vẫn nhớ những kỉ niệm thời còn là sinh viên đi trực đến thế? Nhớ từ những ngày Y3 đầu tiên lơ ngơ nhận trực, hăng hái làm mọi việc cỏn con vặt vãnh nhất, nhớ đến lúc Y6 “đầu có sỏi”, vừa trực vừa tranh thủ … đè đầu cưỡi cổ bọn Y3. Tôi sẽ còn nhiều, rất nhiều đêm trực nữa trong đời, và những trải nghiệm 3 năm qua mới chỉ là màn dạo đầu ngắn ngủi. Nhưng dù thế nào thì đêm trực thời sinh viên vẫn có những đặc điểm riêng đáng nhớ. Uh, có thể bổ ích hay vô vị, có thể mệt mỏi hay nhàn nhã, buồn chán hay vui vẻ và thú vị, nhưng chắc chắn là rất “đáng nhớ”.

Tháng 4.2006

Y1, nhớ viện Giải Phẫu

Thế là 6 năm sinh viên dài đằng đẵng rồi cũng trôi qua, sắp đến ngày tốt nghiệp. Tôi đã học đại học trong 6 năm, nhiều hơn bất kì một đứa bạn phổ thông nào khác. 6 năm, hơn 2000 ngày, đủ để sốt ruột nhưng cũng đủ để gắn bó, để yêu. Và lúc ra trường sẽ có những nỗi nhớ xen lẫn niềm vui. Biết là ngòi bút không thể chiều lòng cảm xúc, nhưng thôi cứ viết ra, trường Đại học Y Hà Nội trong cảm nhận của riêng tôi.

Y1, nhớ viện Giải Phẫu

Chắc chỉ có sinh viên Y năm nhất mới hiểu cái cảm giác “sướng” khi đi học Giải Phẫu. Vào đại học rồi nhé, trong lúc bạn bè phổ thông dù ở bất cứ trường nào vẫn quẩn quanh với mấy môn cơ bản Toán Lý Hoá, thì ngày từ kì một, dân Y đã được làm quen với môn cơ sở đầu tiên, Giải Phẫu. Tự dưng thấy mình “oai” hơn hẳn, thấy “đúng là sinh viên Y có khác”. Bạn bè hỏi “Học Y vui không, đã được đi mổ chưa?” – Đáp “Mổ suốt rồi”, mặc dù hoàn toàn không phân biệt được phòng mổ Ngoại khoa với phòng phẫu tích xác. Bạn bè lại hỏi (trời ạ cái lũ bạn phổ thông, lâu lâu không gặp nhau là quanh đi quẩn lại toàn những câu hỏi của lần gặp trước) “Đã được vào nhà xác chưa?” – “Nhiều lần lắm rồi” – “Eo ôi sợ thế!” – “Sợ quái gì!”. Một chút “vênh mặt”, hay là những cảm xúc tự hào nghề nghiệp đầu tiên?

Nhắc lại cái chuyện “eo ôi sợ thế” này mới nhớ, mấy bác khoá trên chúa là hay doạ các em năm nhất, dù có thể chỉ vô tình. Hồi đầu năm Y1, một chị bác sĩ (khoá 92-98 thì phải, lão làng rồi) kể: “Mấy hôm đầu học trên xác người, chị không thể ăn được cơm, nhìn miếng thịt là lại liên tưởng đến…” làm tôi cũng run. Về sau mới rõ (ai học Y hẳn là biết), mấy cái xác vô cơ hoá 90% cũng không khác mô hình là mấy. Câu chuyện của bà chị quí hoá được tôi thay đổi chủ ngữ, sửa sang chút đỉnh, đưa vào “giai thoại” để … truyền tụng cho Y bé và sinh viên trường khác nghe. Nếu quen biết một sinh viên Y1, hẳn là bạn cũng đã nghe vài “giai thoại” tương tự.

* * *

Tôi yêu vẻ đẹp tĩnh lặng của viện Giải phẫu. Đó là một toà nhà ba tầng giản dị nằm đối diện vườn hoa Pasteur. Theo tôi, góc phố này thuộc loại đẹp nhất nhì Hà Nội (chắc chỉ sau góc phố Lý Thường Kiệt – Lê Thánh Tông với toà nhà Đại học Quốc gia; quả thật, người Pháp đã để lại cho chúng ta nhiều thứ hoàn toàn xứng đáng gọi là “di sản”). Khác với viện Vệ sinh Dịch tễ bề thế đầu đường Yersin, viện Giải phẫu thu mình lại dưới những tán cây xanh, cửa chính cửa sổ lúc nào cũng đóng im ỉm. Cái bề ngoài “kín cổng cao tường” ấy gợi tôi nhớ tới nhà tu kín một thời sát cạnh bệnh viện Saint Paul. Viện khá rộng, bên trong mang đậm nét kiến trúc Pháp. Các khối nhà nắm tay nhau quây quanh một khoảng sân lát gạch đỏ, trồng mấy cây hoa đại. Khoảnh sân nhỏ nằm lọt thỏm giữa bốn bức tường u uẩn, chẳng hiểu có ai chăm sóc không mà lúc nào cũng thật sạch sẽ và nền nã. Ngồi trong phòng học mở cửa thông ra sân thì dù là đông hay hè đều thấy mát mẻ, dễ chịu. Những buổi trưa vắng người, viện mang dáng vẻ lặng lẽ uy nghiêm của một nhà thờ xứ đạo. Tôi nghĩ dù bên ngoài có bận rộn tấp nập đến mấy (giả dụ như phố Hàng Ngang), thì viện Giải phẫu vẫn là một thế giới khác, cái sân trong viện vẫn luôn yên ắng và thanh bình như thế. Hay đã từng có vài bà ma-xơ âm thầm tu kín ở đây cũng nên.

Chỉ có một thứ phá vỡ sự thanh bình của viện Giải phẫu, đó là lũ sinh viên ồn ã và nghịch ngợm. Sáng sáng, khi mấy cụ đánh cầu lông vừa về và mấy cậu đá bóng dưới lòng đường cũng chấm dứt việc vi phạm giao thông, thì cái cổng bé xíu bên hông viện Giải phẫu lại mở ra, đón 40-50 sinh viên Y1 vào học. 40 sinh viên này sẽ được chia vào hai căn phòng rộng rãi treo đầy tranh ảnh giải phẫu, có 60 phút ngồi thoải mái học lý thuyết, trước khi chen chúc nhau quanh hai chiếc bàn dài trong phòng phẫu tích. Thật lạ là trường Y, dù tuyển sinh không đông (khóa tôi chỉ có gần 500, so với 3500 của trường Bách Khoa), nhưng cái sự phải chen chúc vẫn trở thành một thói quen từ những ngày học Giải phẫu đầu tiên đến những buổi giảng lâm sàng cuối cùng. Y1: chen nhau xem thầy giáo phẫu tích xác; Y2 chen nhau xem cô giáo thực hành điều dưỡng; Y3 chen nhau quanh kính hiển vi soi Plasmodium; sau đi lâm sàng thì lại càng chen mạnh, chen nhau hỏi bệnh bệnh nhân, chen nhau nghe rale phổi, chen nhau nghe giảng, vv và vv. Nghĩ cũng buồn cười, nhưng thôi đã là “triệu chứng kinh điển” thì nên ghi nhớ hơn là thắc mắc băn khoăn.

Học thực tập Giải phẫu “chen chúc” kiểu này rất vất vả. Tổ tôi vì đông quá nên có hôm chen nhau mạnh đến mức đè cả lên bàn phẫu tích xác. Mặt bàn rơi xuống bể formon làm cái thứ hoá chất chẳng mấy thân thiện ấy bắn văng tung toé. Vài sinh viên bị bắn formon vào mắt, phải đi khám tức thì. Thôi thì đều do “ham học” chứ biết trách ai. Chuyện này các khoá dưới chắc là đã nghe kể.

Một lần, bọn tôi đã hỏi thày Quýnh (trưởng bộ môn) tại sao viện không lấy thêm xác cho sinh viên học. Thày nói, một là thiếu xác hiến, hai là nhiều xác cũng không có thùng chứa (là loại thùng inox được thiết kế đặc biệt, có tay quay, quay vài vòng thì cái xác trong bể formon nổi lên, vặn ngược lại là cả bàn phẫu tích lẫn tử thi sẽ chìm xuống). Trong miền Nam thì khác, thủ tục hiến xác rất đơn giản và thuận tiện, hàng năm còn có cả ngày lễ hiến xác (lễ Tri Ân). Trường Đại học Y Dược Thành phố cũng có hơn 70 thùng chứa mà chế độ cũ để lại. Nghĩ nhiều, thấy cái gì miền Nam cũng đi nhanh hơn miền Bắc một bước.

Học lý thuyết hồi đó nhớ nhất thầy Hưng và thầy Huy. Thấy Hưng vẽ rất đẹp. Buổi học đầu tiên trên giảng đường, bài “Các cơ chi trên”, thày dùng phấn đỏ để vẽ cơ và động mạch, phấn xanh vẽ tĩnh mạch, phấn vàng vẽ thần kinh. Không cần giáo án, giảng tới đâu vẽ tới đó, sau hai tiết đã được mấy hình minh hoạ không thua hình vẽ của Netter trong Atlas Giải phẫu là mấy. Tiết sau, giảng lớp khác, thầy xoá đi, vẽ lại từ đầu chứ ít khi dùng hình vẽ sẵn. Tôi cố tập theo thày, thấy mình vẽ xương trụ dài hơn xương cánh tay, vẽ “trám khoeo” trông giống hình vuông, xù xì và mất cân đối kinh khủng. Nhưng đây quả cách học Giải phẫu tốt, dễ nhớ. Thường thì đến lúc kết thúc môn học mới nhận ra mình “biết cách học”. Giá mà được trở lại ngày xưa!

Thầy Huy rất cao, hút thuốc nhiều, dạy chương sọ não, cũng là chuyên gia giảng bằng hình vẽ. Thày rất thuộc mặt học trò, gặp nhau ở trường hay dừng lại bắt tay chào hỏi. Bây giờ thầy Huy chắc vẫn dạy, không biết thày Hưng còn đứng lớp không.

Một kỉ niệm riêng không thể nào quên của năm Y1 là những tối học thêm Giải phẫu với thày Vị. Nhiều sinh viên Y có thể không biết thày, vì thày chỉ là kĩ thuật viên, không giảng lý thuyết bao giờ. Hồi đó tổ quá đông nên mỗi tuần hai tối tôi và hai đứa bạn lại lên viện nhờ thày chỉ thêm (thày vốn là bạn cũ của mẹ tôi từ thuở “hàn vi”). Hình như ban đêm người ta tăng nồng độ formon trong bể ngâm xác, chúi mũi phẫu tích một lúc là hai mắt đã cay xè. Nhưng học tối thì tha hồ mày mò, đỡ phải chịu cảnh “bon chen”, tự thấy ít người may mắn như mình. Thày Vị không chỉ giúp sinh viên, mà cả nội trú, cao học chuyên ngành Ngoại nên rất nhiều kinh nghiệm sư phạm. Thày có lắm mẹo hay để ghi nhớ những kiến thức “học mãi không vào nổi”, bọn tôi đều tấm tắc công nhận là “tuyệt chiêu”. Thày vui, cười rung cả chòm râu cằm lơ thơ. Trước kì thi thực tập, ba đứa lọ mọ mượn được thày cái sọ người trong một tối, thoả chí nghiên cứu mấy cái khe, rãnh, lỗ.

Bây giờ thày Vị không còn nữa. Thày bị ung thư gan, mất tháng 9 năm ngoái. Cả cuộc đời thày gắn bó với viện Giải phẫu, sáng dậy mở cổng, kéo xác lên cho formon bay hơi bớt, phẫu tích trước những vùng sinh viên sẽ học, cuối buổi cặm cụi sửa sang lại “bãi chiến trường” đã bị lũ Y1 đào bới tan hoang. Thày sống một mình trên Hà Nội, vợ con và gia đình vẫn ở dưới quê. Gần hai chục năm, thày âm thầm làm công việc ít được biết đến của mình. Những kĩ thuật viên của trường Y ai cũng âm thầm và nhiệt tình như thế. Ai cũng là những người thày thực sự.



Tháng 2.2006
Dinh Linh