Trực bệnh viện Đại học Y

Trực bệnh viện Đại học Y

Tôi đang trực bệnh viện Đại học Y Hà Nội, không biết là đêm trực thứ bao nhiêu của năm thứ ba nội trú. Một đêm trực quá bình lặng, nếu so với phòng C3 luôn “sôi nổi” và ồn ã. Không mấy người thích trực trường Y, có lẽ vì buồn tẻ quá. Mà lũ nội trú tụi tôi vốn toàn loại “ngựa non”, thèm cảm giác adrenaline sôi lên trong máu của những ca sốc tim, suy hô hấp, hay cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Bệnh phòng sạch sẽ và lặng lẽ. Khoảng 5-6 bệnh nhân đến khám. Không quá ít, không quá nhiều. Tôi tiếp đón từng người với sự chậm rãi dễ chịu ngấm ngầm. Ở đây, nơi “yên bình” này, chúng tôi – thầy thuốc và bệnh nhân – có thể cư xử với nhau “đàng hoàng” hơn một chút. Nghĩa là thầy thuốc không phải to tiếng hay gắt gỏng, còn bệnh nhân tự dưng mất hẳn thói quen thì thào dấm dúi vào tay bác sỹ vài tờ tiền xanh đỏ. Tôi nhìn người bệnh mới nhất của mình bắt đầu được y tá cắm chai truyền dịch – một ca sốt phát ban, xét nghiệm máu không có gì đặc biệt, có lẽ sẽ ngủ đêm tại nhà sau khi hạ sốt – và tự hỏi điều gì thực sự quan trọng đối với mỗi bệnh nhân? Mọi sự so sánh đều khập khiễng, dĩ nhiên trong từng hoàn cảnh cụ thể cần cố gắng hết sức để đem lại lợi ích cho người bệnh. Nhưng nếu lợi ích đó là tối thiểu, mặc cho những nỗ lực tối đa, liệu có thể không buồn? Một đêm trực C3, cả lũ nội trú cũ mới đã hì hục cấp cứu bệnh nhân trong 2 tiếng, đặt tất cả những gì có thể đặt (nội khí quản, máy tạo nhịp, đường truyền tĩnh mạch trung tâm), chỉ để 10 phút sau đó y tá lặng lẽ rút hết những gì có thể rút. Không phải chỉ một lần chúng tôi đã nhìn thấy kết cục không thể đảo ngược. Khi cần chọn lựa giữa sự sống và cái chết, câu trả lời dường như đơn giản. Thực tế lâm sàng đôi khi chẳng giản đơn như thế.

Tôi vẫn thích phòng cấp cứu C3, bởi những va vấp, sương gió của nó đem lại các trải nghiệm không thể đong đếm. Nhưng bao nhiêu thứ “hoành tráng” mà lũ nội trú tụi tôi vỗ ngực tự hào, liệu có đem lại cho người bệnh sự thanh thản, như bệnh nhân sốt virus kia đang thanh thản nằm nhìn từng giọt dịch truyền chậm rãi rơi.

Năm thứ ba nội trú, đôi lúc vẫn có cảm giác chưa thể hiểu hết công việc mình đang làm.

Tháng 4.2010

“Those were the days, my friends…”

Hôm trước tụ tập liên hoan nội trú, để các anh chị năm cuối “giải đen” sau một kì thi vất vả, còn mấy em newbie năm đầu thì ra mắt các “đại ca”. Lâu lâu rồi mới có một “Resident Night” vui đến thế. Nhưng vài người không hứng thú tham gia. Mình với Yến B (nội trú khóa 29, đã ra trường được 1 năm), đều chẳng hiểu tại sao. Nghĩ lại, mình bây giờ không thân thiết với các anh chị em nội trú thì thân với ai. Công việc bận rộn, ở viện suốt ngày, thời gian chăm sóc cho gia đình chẳng có. Bạn bè thân thiết đứa đi nước ngoài, đứa lập gia đình, hoặc ai cũng bận bịu công việc sự nghiệp riêng, đâu phải lúc nào cũng gặp được nhau. Chỉ có nội trú, sáng cùng giao ban, trưa cùng ăn, chiều cùng trực buồng (hoặc cùng “đùn đẩy” nhau chuyện trực buồng), tối xuống phòng cấp cứu Tim mạch, chen nhau làm thủ thuật, đêm trực cùng chiến đấu ở C3, trông bệnh nhân nặng. Khi bệnh viện là nhà, thì nội trú như những anh chị em ruột thịt.

Nhớ hồi mình “còn bé”, tập làm thủ thuật, có mấy anh chị lớn đứng xung quanh cổ vũ bình luận (chỉ trỏ), run nhưng cũng vững tâm vài phần. Hay những tối thường trú, vào phòng bác sỹ trực thấy đông nghịt người, đứa ngồi internet tìm tài liệu, đứa chat chit YM, mấy đứa buôn chuyện; ngồi phịch xuống ghế than thở về một ca lâm sàng, để cả nhóm có dịp “mổ bò” sôi nổi. Nhớ những buổi trưa sinh hoạt chuyên môn theo kiểu “vừa học vừa ăn”, ai cũng buồn ngủ díp cả mắt, cứ phải đợi cơm hộp mới tỉnh ra. Nhớ nhất là những tối bệnh nhân nặng vào cấp cứu, nhân viên của viện hết giờ hành chính đi về hết, chỉ có đám nội trú hì hụi làm, dù “outcome” cực kì thấp. Và còn bao nhiêu buổi cà phê cà pháo, ngoài và trong giờ hành chính; các tiết mục nhậu nhẹt, cá độ này nọ (ví dụ: “Điện tâm đồ này anh đảm bảo tắc đoạn 1 LAD, nếu sai anh sẽ mời chú bữa bia”). Ai bảo cuộc sống nội trú là buồn tẻ!

Có biết bao việc để nội trú tâm sự, chỉ dạy cho nhau. Từ cách khám bệnh nhân, cách cho thuốc, cách chọc dịch màng tim hay đặt máy tạo nhịp, cách xin chữ kí để lần nào thày cũng duyệt, đến cách làm kiểm thảo tử vong, cách giải thích tình trạng nặng cho gia đình người bệnh, cách tự bảo vệ mình về mặt pháp lý trong các ca “nhạy cảm”, vv và vv… Hồi trước Kiddoc (nội trú khóa 30) thân với anh Tuấn A (khóa 28) một phần cũng vì anh Tuấn là người đầu tiên “cầm tay Kid dạy chọc dịch màng phổi”. Khi mình mới vào nội trú hay “lon ton” đi theo bà Yến B trong các đêm trực, học được lắm “võ” hay. Dạo ấy cám ơn Yến ghê gớm, vì cái gì cũng được tự làm, chị chỉ đứng “đỡ đầu”. Bây giờ mới biết nội trú lớn có “trẻ con” đi theo thật sung sướng và nhàn nhã (“trẻ con” chăm chỉ làm hết các việc tay chân rồi)… Thôi không tiết lộ nữa, để từ từ còn “chăn” mấy em khóa mới.

Rồi sau này, mỗi đứa sẽ theo một ngã rẽ khác nhau, ai biết được. Nhưng như chị Yến B nói với các em nội trú khóa 34 hôm trước (bên nồi lẩu): “Bây giờ bọn em ra đường, một là thủ thế, hai là xuất chiêu. Khi về với các anh chị nội trú Tim mạch thì không bao giờ cần nghĩ đến hai chuyện đó!”


Tháng 10.2009

L.B.

Khi Thụy Điển tái ngộ Đan Mạch

Khi Thụy Điển gặp lại Đan Mạch

Kí ức vẫn rõ rệt như một cuốn phim tài liệu. Umeå, thứ Bảy ngày 6/6/2009. Trước khi sơ kết nửa đầu khóa học, Kristina thông báo hôm nay người Thụy Điển có ba niềm vui để chờ đợi: ngày Quốc khánh, ngày Robin Soderling đụng đầu Roger Federer trong trận chung kết Roland Gaross, và ngày đội tuyển bóng đá Thụy Điển đón tiếp các vị hàng xóm Đan Mạch trên sân vận động quốc gia ở thủ đô Stockholm. Hellen ngay lập tức đứng lên hỏi mọi người có muốn tụ tập ở downtown tối nay để xem bóng đá hay không? Kì thi vất vả đã trôi qua, ngày nghỉ cuối tuần đang đến thật hào hứng. Cả lớp giơ tay đồng ý, và Hellen, duyên dáng trong bộ váy đen ngày lễ (buổi sơ kết khóa học cũng được cô coi là “holiday”), hứa sẽ đặt một bàn cho cả nhóm ở quầy bar trung tâm Umeå. Cô đến từ Đan Mạch, có lẽ sẽ là cổ động viên Đan Mạch duy nhất trong buổi tối hôm nay.

Umeå, thủ phủ xứ Västerbotten, là một thành phố nhỏ bé và trầm lặng ở miền cực Bắc. Không có tàu điện ngầm, không có nhà chọc trời, rất ít xe hơi và rất nhiều xe đạp. 18h, tôi cùng Ngọc Linh, anh bạn cùng phòng, rời khách sạn và đi bộ về phía downtown. Ngày cuối tuần, Umeå như vắng vẻ hơn trong những cơn gió lạnh buốt da. Gần nhà hàng O’Learys, dân tình xếp thành hàng dài trước máy rút tiền ATM. Sẽ có một đêm Quốc khánh rất vui, với rất nhiều bia được rót, nhiều rượu được khui, và nhiều tiền mặt rút ra khỏi ví. Lúc ấy, ở Paris, Soderling đang bị Federer áp đảo hoàn toàn; nhưng có hề gì, cả Thụy Điển vẫn hào hứng chờ đợi chiến thắng từ sân vận động quốc gia Stockholm, một niềm vui đủ lớn để xua đi mọi nỗi buồn thất bại khác.

Quán O’Learys chật cứng người. Không rõ Hellen đã đặt chỗ thế nào, nhưng chúng tôi chỉ có thể đứng xung quanh một chiếc bàn nhỏ. Chúng tôi phải chia sẻ bàn với hai người đàn ông Thụy Điển đứng tuổi. Họ xem trận đấu một cách chậm rãi và điềm đạm, mặc cho những ly bia được rót ra liên tục đang tố cáo sự phấn khích âm thầm. Hellen, ngược lại, vui tươi và sôi nổi như một cô nữ sinh. Cô vừa gạ được Edison, cậu bạn cùng lớp đến từ Columbia, trở thành cổ động viên của Đan Mạch. Ít nhất, sẽ có người để cô cụng ly sau mỗi pha bóng đẹp của đội nhà. Mà nếu cô không nhờ Edison, chúng tôi cũng sẵn sàng làm điều đó, dù rằng trong thâm tâm, tôi yêu quý Thụy Điển hơn.

Có lạ kỳ không, khi trong ngày trọng đại ấy, bi kịch nối tiếp đến với đội quân áo vàng. Phút thứ sáu của trận đấu, Thụy Điển được hưởng một quả penalty. Källström bước lên chấm phạt đền, và sút hỏng, để lại phía sau lưng cả một biển người lặng im thất vọng trong ngày Quốc khánh. Khi thủ thành Sorensen chặn được cú đá phạt đền quá hiền ấy, anh cũng chặn luôn những giọt bia đang chực tuôn trào ở hàng ngàn quán bar trên đất Thụy Điển, trong đó có quán O’Learys. Chưa đầy 20 phút sau, Đan Mạch mở tỉ số. Tôi quay sang Hellen, cô sung sướng như một đứa trẻ, không để ý tới xung quanh. Cô nhảy múa, cô hôn lên má Edison, bá vai tôi, và ca hát mặc kệ đám người đang câm lặng trong quán. Có sao đâu, tình yêu không có tội, nếu Soderling được quyền khóc cho thất bại thì Hellen cũng có quyền nhảy múa với niềm vui rất chính đáng của mình.

Chơi trên sân nhà, bỏ lỡ một quả penalty, và bị thủng lưới trước. Không còn kết cục nào tệ hơn cho các cổ động viên áo vàng. Nhưng có lẽ Chúa Trời thấy như thế là chưa đủ, nên từ lúc đó đến cuối trận đấu, liên tục Ibrahimovich, Larsson, Andersson thi nhau sút bóng ra ngoài. Để người Thụy Điển tiếp tục nhấm nháp từng giọt bia trong u buồn, còn Hellen thì cứ ca hát đến tận phút thứ 90. Người đàn ông cùng bàn ngồi bất động, chỉ có chòm râu hơi khẽ rung sau mỗi pha bóng hỏng ăn của đội nhà. Ông có bộ râu rất đặc trưng của xứ Scandinavi, giống như Nobel, giống huấn luyện viên Lagerback, giống ông bố Emil trong truyện “Emil trên mái nhà” của Astrid Lindgren, nói chung là giống hàng ngàn ông già Thụy Điển 60 tuổi khác. Cuối cùng, khi sự thất vọng không còn chỗ để tuôn trào nữa, ông quay sang bắt chuyện với chúng tôi. Ông đã sống hơn 50 năm ở Umeå, từ ngày nó còn là một thị trấn nhỏ, và hiếm khi đi khỏi đây. Đây là lần đầu tiên ông xem bóng đá cùng nhiều người ngoại quốc đến thế. “Một trải nghiệm thú vị”, ông bảo Hellen, “Tôi rất vui vì cô đã đến ngồi bàn này, cùng những người bạn của cô. Congratulations!”. Hellen cười rất tươi và gọi luôn một lúc cả chục ly bia đãi mọi người. Samuel, học viên đến từ Nigieria, kể rằng ở chỗ anh, một cổ động viên ngoại lai như Hellen có thể bị đám đông đuổi đánh cho đến chết. Hai người Thụy Điển ngạc nhiên, còn tôi thì không. Ở Việt Nam, cổ động viên Hải Phòng hay Nghệ An đôi khi cũng thế. Nhưng đây là Thụy Điển. Tình yêu của người hâm mộ ở đâu cũng nồng cháy như nhau, nhưng cư xử với đối thủ sao cho văn minh thì không phải ai cũng làm được. Chẳng phải họ đang bắt tay Hellen rất chặt hay sao, dù rằng tỉ số là 0-1, và truyền hình đang chiếu cảnh Ibrahimovic rời sân và mái đầu cúi thấp. Tôi chụp vài kiểu ảnh kỉ niệm cho Hellen. “Về sau, lúc về già ấy, cô có thể kể lại với con cháu rằng cô đã một mình cổ vũ cho Đan Mạch trên đất Thụy Điển”, ông già Thụy Điển nốc hết ly bia. “Ồ, bạn chụp ảnh tôi ah, tôi cũng muốn chụp ảnh các bạn, đứng sát vào nhau đi” – ông nói và rút một chiếc điện thoại Sony Ericsson cũ kĩ từ trong túi ra. Tôi tự hỏi ở Việt Nam bây giờ có ai còn xài loại “cục gạch” chụp ảnh 1.3 Mpx này nữa không, nhưng người Thụy Điển vẫn ưa những đồ “nồi đồng cối đá” hơn, như xe Volvo, như máy giặt Electrolux, không bóng bảy mà bền và hiệu quả. Chiếc điện thoại Ericsson cũng thế, nó đủ giúp ông chủ lưu lại một tấm hình lưu niệm đẹp về những người bạn ngoại quốc mới quen, vì tôi thấy ông mỉm cười rất hài lòng.

22h đêm. Chúng tôi rời quán O’Learys. Gần quảng trường trung tâm, vẫn còn dăm ba đám cổ động viên chụm lại hút thuốc trong gió rét. Thế là Thụy Điển đã thua, ngay trên sân nhà, ngay trong ngày Quốc khánh. Tôi hơi buồn đôi chút. Từ lâu, đất nước yên bình này đã chiếm một một góc thân thương trong tôi. Nhưng dù sao, cuộc đua còn dài, và nếu Zlatan Ibrahimovic không gặp may buổi tối hôm nay, anh và đồng đội vẫn còn nhiều dịp để sửa sai. Còn lúc này, Hellen đang rủ cả nhóm đi nhảy. Đêm thứ Bảy mà về nhà trước nửa đêm thì quá sớm, thi cử cũng đã xong xuôi. Thế tội gì mà không đi với cô, để cùng ăn mừng một buổi xem bóng đá đáng nhớ.

Tôi ôm lấy Hellen để chúc mừng cô, Khi ấy, tôi không nghĩ rằng khi Thụy Điển tái ngộ Đan Mạch, trong buổi tối tháng Mười quyết định này, tôi sẽ nhớ buổi tối hôm đó đến thế. Tối 10/10/2009, Đan Mạch được chơi trên sân nhà, và hẳn là Hellen sẽ chẳng cần nhờ bọn tôi làm “đồng đội” nữa. Còn giả sử tôi có mặt ở đấy, cùng với Hellen, tôi biết tôi sẽ hát khi Ibrahimovic đánh gót ghi bàn…

 

 

Tháng 10.2009

Dinh Linh

Chuyện kiểm thảo tử vong

Thỉnh thoảng lũ nội trú đang lảng vảng ở phòng C3 (Cấp cứu Tim mạch) lại bị bà y tá trưởng kéo vào phòng hành chính bắt làm kiểm thảo tử vong, theo đúng nguyên tắc “Cứ thấy đứa nào kí bệnh án cuối cùng thì bắt đứa đó kiểm thảo”. Phải có “nguyên tắc” vì công việc này chẳng ai muốn làm. Thay cho autopsy (khám nghiệm tử thi) vốn là điều bắt buộc, người ta yêu cầu phải điền đủ 3 trang A4 về thành phần kíp trực, diễn biến bệnh, nguyên nhân tử vong, thái độ của nhân viên y tế, vv và vv… mà thường là cuối cùng sẽ lẫn trong đống hồ sơ cũ kĩ không ai thèm đọc. Bệnh nhân không cứu lại được nữa, những vấn đề chuyên môn (và cả ngoài chuyên môn) thì tua trực cũng tự rút kinh nghiệm rồi. Ấy là chưa kể lắm bệnh nhân nặng nằm tại khoa cả tuần, mình vừa nhận trực thì tử vong, sau vài phút cấp cứu có đủ để hiểu rõ diễn biến bệnh và nguyên nhân chết? Thành ra tờ giấy kiểm thảo tử vong bỗng mang tính hình thức kinh khủng. Kết quả, ông nội trú nào cũng ngồi ngoáy vội vài dòng chung chung về diễn biến bệnh giai đoạn cuối để bà y tá mẫn cán hoàn thiện hồ sơ nộp cho phòng lưu trữ.

Hài hước nhất là phần “Thái độ của nhân viên y tế”, gồm các mục như: đón tiếp bệnh nhân thế nào, chẩn đoán bệnh thế nào, điều trị bệnh và cấp cứu ra sao, lúc bệnh nhân tử vong thì thế nào,… Phải viết về mình cũng khó ghê, không lẽ tự chê bai (có ai bắt Conrad Murray làm kiểm thảo cho cái chết của Michael Jackson)? Thế nên cứ nội trú lớn dạy nội trú bé, học thuộc khoảng 10 tính từ “đẹp đẽ” để điền vào giấy cho nhanh lẹ. Mọi biên bản đều theo cùng một khuôn. Đón tiếp người bệnh: ân cần niềm nở. Chẩn đoán bệnh: nhanh chóng, chính xác. Chăm sóc: chu đáo, tận tình. Điều tri: tích cực, đúng phác đồ. Cấp cứu: kịp thời, tận tâm. Khi bệnh nhân tử vong: cảm thông, chia sẻ. Đại khái thế. Nếu không theo mẫu mà tự ngồi “nghĩ” ra từng đó “mỹ từ”, mà lại phải khác nhau, thì chẳng đơn giản đâu nhé.

Một lần ngồi kiểm thảo tử vong, bỗng dưng hỏi nếu tất cả những gì mình viết về thái độ của nhân viên y tế là đúng, thì người bệnh có tử vong không, hay thực sự tiến trình bệnh là không thể đảo ngược dù chúng ta đã cố gắng hết sức? Nếu việc chăm sóc và điều trị hoàn hảo như thế, tại sao người bệnh vẫn chết? Lan man thêm một chút, thử chọn những “xú từ” thay cho “mỹ từ”. Như là, đón tiếp bệnh nhân: cáu kỉnh, gắt gỏng; chẩn đoán bệnh: chậm trễ; chăm sóc: lơ là, không chu đáo; điều trị: thiếu tích cực, không theo phác đồ chuẩn; cấp cứu: chậm chạp, thiếu phương tiện,… Đôi lúc thấy mấy “xú từ” này có vẻ quen quen…

Mỗi ca tử vong, dù ít dù nhiều, cũng là một thất bại của người thày thuốc – thất bại của cả quá trình điều trị, chứ không riêng gì giai đoạn cuối. Người bệnh đến với phòng Hồi sức cấp cứu đã như ngọn nến sắp tàn, những cơ hội để được sống lâu hơn, sống tốt hơn (nếu có) đã bị bỏ lỡ rồi. Nói như cuốn Washington, “The goals of critical care medicine are to save the lives of patients with life-threatening but reversible medical or surgical conditions and to offer the dying a peaceful and dignified death” (Nhiệm vụ của bác sỹ hồi sức là cứu sống những bệnh nhân còn có thể cứu, và đem đến cho người hấp hối một cái chết yên bình và xứng đáng). Thôi thì cố gắng hoàn thành cái nghĩa vụ nhỏ nhoi đó vậy. Để người bệnh được ra đi thực sự xứng đáng, để mỗi lần ngồi kiểm thảo tử vong không phải ân hận hay dằn vặt.

Tháng 8.2009

Dinh Linh

Tiếp thị thuốc – Câu chuyện của Procoralan

Khoảng 2 năm trở lại đây, Procoralan đổ bộ vào BV Bạch Mai, với cơ sở khoa học là nghiên cứu BEAUTIFUL đăng trên tờ Lancet, theo đó ivabradine giảm biến cố mạch vành ở những BN đau ngực ổn định, có giảm chức năng thất trái (EF<40%), và nhịp tim lớn hơn 70 [1]

Có 3 điểm đáng lưu ý ở nghiên cứu BEAUTIFUL: (1) đối tượng nghiên cứu là BN bệnh mạch vành ổn định (stable coronary artery disease), nghĩa là không phải nhóm nhồi máu cơ tim hay đau ngực không ổn định; (2) 87% số BN nghiên cứu được dùng thêm thuốc chẹn beta giao cảm, một thuốc đã được chứng minh từ lâu có hiệu quả trong bệnh mạch vành nhờ tác dụng giảm nhịp tim, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của cơ tim, giảm triệu chứng đau ngực; và (3) ivabradine không cải thiện “primary endpoints”, nghĩa là không giảm tỉ lệ tử vong, không giảm tỉ lệ tái nhập viện do suy tim, chỉ có tác dụng với các tiêu chí phụ (“secondary endpoints”), bao gồm giảm tỉ lệ nhập viện do nhồi máu cơ tim, giảm tỉ lệ tái can thiệp mạch vành. 3 điểm trên ít được đề cập trong các hội thảo hay tờ rơi về nghiên cứu BEAUTIFUL.

Tuy nhiên, “một nữa sự thật vẫn là sự thật”?, hoặc có lẽ nhờ SERVIER làm tiếp thị quá tốt nên hiện tại Procoralan (biệt dược của ivabradine) được sử dụng khá rộng rãi, ngay cả ở nhóm bệnh nhân có hội chứng mạch vành cấp. Một chuyện vui, năm 2007, khi GS James Dove, khi đó là chủ tịch Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology) sang Việt Nam dự hội nghị Tim mạch Việt-Mỹ, ông được mời đến khám cho một VIP, sau khi đọc đơn thuốc của VIP này thì có 2 thuốc mà GS James Dove lần đầu tiên nhìn thấy, đó là Vastarel (một thứ dược phẩm phổ biến mà không ai trong chúng ta tìm được nghiên cứu chứng minh tác dụng) và Procoralan.

Kết: Tớ chẳng có thù hằn gì với Servier cả. Tiếp thị thuốc là một phần không thể thiếu của hệ thống y tế, và các hãng dược phẩm cùng các trình dược viên có quyền làm tốt nhất phận sự của mình. Tất cả phụ thuộc vào bác sỹ điều trị và ở một mức độ nào đó là các dược sỹ lâm sàng.

———–
Tài liệu tham khảo:

[1] Kim Fox, Ian Ford, P Gabriel Steg, Michal Tendera, Roberto Ferrari, on behalf of the BEAUTIFUL Investigators: Ivabradine for patients with stable coronary artery disease and left-ventricular systolic dysfunction (BEAUTIFUL): a randomised, double-blind, placebo-controlled trial. The Lancet, Volume 372, Issue 9641, Pages 807 – 816

Khi những đêm trực đi qua…

Vừa ngồi đọc note của Goth trên Facebook. Xét trên một khía cạnh nào đó, suy nghĩ của Goth là suy nghĩ của tôi mấy năm về trước. Điều đó cũng dễ hiểu, khi chúng ta đi trên cùng một con đường, với cảnh sắc giống nhau, với những bông hoa hay khóm cỏ dại chẳng mấy thay đổi theo ngày tháng. Thế thì cảm xúc sẽ tương đồng. Chỉ không biết 3-4 năm nữa, Goth có giống tôi bây giờ, khi đã nhìn thấy quá nhiều (dù nhiều chuyện vẫn chưa nhìn rõ). Em trăn trở vì một trường hợp tử vong mà lẽ ra đã sống – những ca như thế đập vào mắt tôi hàng ngày. Đó có thể là một bệnh nhân lẽ ra cần được thở máy sớm nhưng không thể (vì không có máy thở), có thể là một bệnh nhân bị cấp cứu chậm trễ (vì bác sỹ phải “leo” qua cả một rừng người nhà đang nằm ngủ ngon lành dưới đất), vv và vv… Và còn bao nhiêu cái nho nhỏ nữa, như bệnh nhân chỉ được thử đường máu 3h một lần thay vì mỗi 1h, hay không được đặt catheter tĩnh mạch trung tâm dù đã có chỉ định, bệnh nhân thiếu tiền, kíp trực neo người và mệt mỏi vì gánh nặng của những việc “bull shit” không tên,… Bao nhiêu lý do để việc điều trị chưa thể tối ưu. Chẳng có gì hoàn hảo, nhất là việc thực hành y học ở Việt nam. Điều này Goth có hiểu? Những người ngoại đạo có hiểu?

Khi ép tim cho bệnh nhân, liệu Goth có cảm nhận được sự bất lực của người bác sỹ trực. Dù chúng ta có nỗ lực hết sức với 100% sức lực, và thực hành đầy đủ các bước cấp cứu, thì vẫn là vô nghĩa. Mọi thứ đều trở thành vô nghĩa, khi bệnh nhân tử vong.

Mà có mấy khi mỗi chúng ta đủ tinh thần và sức lực để nỗ lực được đến 100% khả năng như thế?

Tháng 8.2009

Năm thứ hai nội trú

Dinh Linh

Những tia nắng ngập ngừng

Những tia nắng ngập ngừng

Tháng Tư luôn là khoảng thời gian thú vị trong năm, với những tia nắng đầu tiên và cơn mưa rào đầu tiên của mùa hạ. Tháng Tư này chợt ngập ngừng đôi chút. Cứ một buổi nắng thì hai buổi sầm sì u ám. Mưa rả rích và buốt lạnh. Có cảm giác mùa đông rét mướt vẫn lẩn quất đâu đây, còn mùa hạ thì ngập ngừng chưa tới.

Cái ngập ngừng của tiết trời như lây sang con người. Mình đi luân khoa Nội, khởi đầu bằng khoa Nội tiết. Xa rồi bệnh phòng Tim mạch tấp nập, ồn ã và nhốn nháo. Khoa Nội tiết là một thế giới thanh bình, yên tĩnh hơn. Sau mấy ngày đầu ngập ngừng, dần dần cũng quen với nhịp điệu chậm rãi và thận trọng ấy. Xét cho cùng thì chậm rãi có gì là xấu, bởi đa số bệnh nhân cần sự chăm sóc chu đáo và lâu dài của người thày thuốc, hơn là những pha can thiệp “hoành tráng” trong lúc thập tử nhất sinh. Dự định trong thời gian này sẽ tích cực đọc sách, nhưng mãi vẫn chưa hoàn thành một quyển rất cơ bản. Lại là sự ngập ngừng (đến quen thuộc) trong việc triển khai các kế hoạch. Bao giờ mới thay đổi được? Mùa hạ có thể ngập ngừng, nhưng thời gian thì không chờ đợi.

Tháng Tư có gì để nhớ? Trong những ngày nắng (hiếm hoi) đầu tháng, một đoàn giáo sư bác sĩ từ trung tâm y học Mayo Clinic tự bỏ tiền túi sang giảng bài ở bệnh viện Bạch Mai. Thật tuyệt vời khi có điều kiện tiếp xúc trực tiếp và học hỏi các chuyên gia đầu ngành; thay vì chỉ “nghe danh” qua guidelines hay các bài báo đăng trên New England, JACC,… Những cơ hội như vậy khiến ta bớt chông chênh, thêm niềm tin vào con đường đang chọn. Họ có thể ngập ngừng khi rời xa cái lạnh vùng Rochester để làm quen với miền nhiệt đới nóng bức oi ả, nhưng sự nhiệt tâm giúp đỡ là thứ chẳng còn gì phải ngập ngừng nữa cả.

Tháng Tư, thế là đã tròn một năm đi trực C3. Thủ thuật thành thạo hơn, xử trí tự tin hơn đôi chút. Nhưng vẫn còn nguyên nỗi sợ khó giải thích trong những đêm trực cô độc. Khi một mình đứng trước bệnh nhân, với hàng loạt lựa chọn “Có” hoặc “Không”, mới cảm thấy kiến thức của bản thân ít ỏi làm sao, kinh nghiệm hạn chế làm sao. Nhưng nghề Y không có chỗ cho sự ngập ngừng. Đành cố gắng hết sức, theo cách mà mình tin là tốt nhất và đúng nhất. Vừa làm vừa học, hy vọng các trải nghiệm sẽ làm ta thêm vững vàng, cứng cáp.

Ngập ngừng đi qua tháng Tư, giữa những buồn vui, chán nản hay hưng phấn. Đợi chờ tháng năm, nắng tràn trề, cùng cơn mưa rào nồng nàn dữ dội…

Tháng 4.2009

Đinh Linh

“Rediscovering The Lost Art”

– Chúng ta đã làm điện tâm đồ, chụp XQ, siêu âm tim, chụp cộng hưởng từ, chụp CT sọ não,… cho bệnh nhân, và vẫn chưa chẩn đoán được bệnh
– Có lẽ ta nên thử nghe tim bệnh nhân xem sao

Tìm lại nghệ thuật bị quên lãng

Mặc dù có truyền thống lâu dài và giữ vị trí trang trọng trong lịch sử y khoa lâm sàng, nghe tim – nghệ thuật đã được vinh danh qua thời gian – đang nhanh chóng trở thành “nghệ thuật bị quên lãng”. Hầu hết các thày thuốc lâm sàng ngày nay đều gặp khó khăn khi phải phân biệt tiếng tim bình thường hay bất thường, và ít nhiều bối rối trước một người bệnh có tiếng thổi ở tim. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, như sự thiếu vắng các giảng viên lâm sàng giỏi với kĩ năng nghe tim tốt, thói quen phụ thuộc ngày càng nhiều vào những kĩ thuật hiện đại và tốn kém, một hệ thống y tế bị chi phối bởi đồng tiền không có danh mục chi trả cho thời gian nghe tim của bác sỹ. Cùng với đó là một môi trường làm việc dễ bị kiện cáo luôn đầy nhân viên y tế vào thế “phòng thủ”, trong khi lại sẵn có hàng loạt xét nghiệm cận lâm sàng tốn thời gian, không cần thiết, đôi khi có hại.

Trong quá khứ, chiếc ống nghe từng được coi như một biểu tượng danh giá của ngành Y, nhưng thời thế đã đổi thay. Trong kỉ nguyên của những kĩ thuật hiện đại và tinh vi ngày nay, ống nghe trở thành vật dụng ít được nhớ đến. Dù chúng ta vẫn gặp nhiều bác sỹ đeo ống nghe trên cổ hay vắt qua vai, trông thật đẹp và hoành tráng, nó có vẻ gần với một đồ trang sức sành điệu hơn là một phương tiện chẩn đoán. Thực tế, có những bác sỹ tim mạch can thiệp thậm chí còn không mang ống nghe theo mình.

Trong thế giới Y học “hi-tech” này, ngày càng nhiều sinh viên và bác sỹ trẻ nhầm lẫn khi cho rằng nghe tim là cũ kĩ và lỗi thời. Những thày thuốc “tân thời” ấy thường hoài nghi về giá trị của chiếc ống nghe và cho việc khám tim bệnh nhân là phí thời gian khi có sẵn máy siêu âm tim bên cạnh. Tuy nhiên, đầu dò siêu âm không thể thay thế cho chiếc ống nghe và có thể dẫn đến các chẩn đoán sai lầm; ví dụ như tạo ra “bệnh tim theo siêu âm” (echocardiographic heart disease) ở người bệnh không có tiếng thổi hoặc chỉ có thổi sinh lý, nhưng lại có hở van tim rất nhẹ trên siêu âm Doppler màu.

Đừng để nghe tim trở thành một nghệ thuật bị quên lãng, cũng như chiếc ống nghe trở thành di vật của ngành Y. Bất chấp vai trò của các kĩ thuật hiện đại, thăm khám bệnh nhân với ống nghe vẫn là kĩ năng lâm sàng có giá trị và ít tốn kém, giúp bác sỹ chẩn đoán, xác định nguyên nhân và đánh giá tình trạng bệnh. Đây là nền tảng cho những thăm dò không xâm nhập và xâm nhập sâu hơn. Nó cũng đặt các kết quả xét nghiệm thu được vào một bệnh cảnh lâm sàng phù hợp.

Giờ đây, khi mà sự thú vị trong thực hành lâm sàng đang dần mất đi, nghe tim trả lại cho người thày thuốc cảm giác thỏa mãn của trí óc khi có được chẩn đoán nhanh và chính xác chỉ nhờ vào giác quan và kinh nghiệm của bản thân. Bên cạnh đó, với những thao tác thân mật đặc trưng, nghe tim là sợi dây liên kết đầu tiên, làm cơ sở cho sự gần gũi, tin cậy và tin tưởng, vốn là đặc quyền của mối quan hệ thày thuốc – người bệnh.

 

 

Dịch từ: “Cardiac Auscultation: Rediscovering the Lost Art”, Michael A. Chizner, MD. Curr Probl Cardiol 2008;33:326-408